Với tập thứ
nhất này, cơ sở tư liệu có vị trí quan trọng hàng đầu không phải là thư tịch cổ
nữa mà là gồm khá nhiều nguồn khác nhau. Xin được xác nhận ngay rằng, tinh tuý
của kho tàng văn hoá dân gian có quan hệ trực tiếp và rất mạnh mẽ đối với các
mạch ý tưởng của tác giả. Dân gian bao giờ cũng có cách diễn đạt riêng của dân
gian, vấn đề đặt ra chỉ là ở chỗ, làm sao để có thể tìm ra được cốt lõi lịch sử
và hương vị văn hoá chứa đựng ở bên trong cách diễn đạt đó. Phàm đã là tài liệu
dân gian thì thường vẫn có nhiều dị bản, cho nên, sưu tầm và phân tích để chọn
bản có độ tin cậy cao nhất là hai phần việc không thể tách rời nhau. Rất tiếc là
do điều kiện in ấn còn hạn hẹp, chúng tôi chưa thể giới thiệu tất cả các dị bản
mà chúng tôi đã khổ công sưu tầm được. Bởi lẽ này, xin bạn đọc miễn thứ cho việc
thiếu vắng mục Khảo dị mà lẽ ra là rất nên có.
Tuy vị trí có
phần khiêm nhượng hơn, nhưng, bên cạnh tài liệu dân gian, gắn bó chặt chẽ và bổ
sung đắc lực cho tài liệu dân gian là kết quả khảo cứu của một số nhà nghiên cứu
thuộc các lĩnh vực khác như Dân tộc học,
Khảo cổ học, Nhân chủng học, Bảo tàng học, Cổ vật học,… Đó là chưa kể đến
kết quả của quá trình tác giả phân tích và đối sánh ghi chép của hàng loạt thư
tịch cổ. Sẽ là bế tắc nếu có quá ít tư liệu và cũng sẽ là lúng túng khi có quá
nhiều tư liệu gồm nhiều nguồn khác nhau. Tác giả thuộc trường hợp thứ hai. Chọn
sao cho thật đúng những gì tiêu biểu nhất và mang tính khái quát cao nhất để
giới thiệu, quả thật là một việc làm rất khó khăn. Đây quyết không thể là việc
làm tuỳ tiện theo sở thích cá nhân, mà ngược lại, đây phải thực sự là 9 trách
nhiệm lớn đối với di sản văn hoá của tổ tiên, cũng là trách nhiệm lớn đối với
tất cả bạn đọc.
Xét
về cấu trúc chung, văn hoá Việt Nam bao hàm hai
bộ phận chính. Một là những thành tố nội sinh, hình thành và phát triển tại chỗ,
mang màu sắc bản địa rất rõ rệt. Hai là các thành tố ngoại nhập, đến từ nhiều
hướng và từ nhiều thời điểm lịch sử rất khác nhau, mang màu sắc ban đầu thường
là có phần xa lạ. Nhưng, xét về sự liên tục của tiến trình, các thành tố nội
sinh cũng như ngoại nhập đều không ngừng tương tác và biến thái, khiến cho càng
về sau thì càng có nhiều nét đặc trưng mới hơn, phong phú hơn và cũng độc đáo
hơn. Xem ra, xu hướng chung tuy không đổi nhưng quy mô cũng như mức độ của sự
tương tác và biến thái thì ngày một mạnh mẽ. Bởi sự thực ấy, chúng tôi tạm dừng
khung thời gian lịch sử của tập thứ nhất này ở cuối thế kỉ XV, đầu thế kỉ XVI,
tức là tương ứng với đoạn kết của thời Lê sơ. Phần văn hoá nước nhà trong các
thế kỉ XVI, XVII, XVIII và nửa đầu thế kỉ XIX sẽ được trình bày trong tập thứ tư
và những gì còn lại sẽ được giới thiệu trong tập thứ năm (tập cuối cùng) của bộ
sách này.
Trên đại thể, tập thứ nhất sẽ bao hàm ba nội dung chính:
Một
là
quá trình chuẩn bị lâu dài và công phu dẫn tới sự ra đời và khẳng định tầm vóc,
đặc trưng cũng như vị trí to lớn của Văn minh sông Hồng, Văn minh Đông Sơn, Văn
minh Văn Lang hay Văn minh dựng nước. Đây là nền văn minh đầu tiên, phản ánh sự
kết tinh những giá trị sáng tạo gần như là hoàn toàn bản địa. Xét từng lĩnh vực
cụ thể, ở đó không có gì thuộc hàng kì vĩ, nhưng xét về tổng thể, sự hài hoà kì
diệu của tất cả đã tạo nên bản sắc độc đáo và bản lĩnh phi thường của tổ tiên
ta. Chính bản sắc và bản lĩnh này đã cho phép dân tộc ta đủ sức để vượt qua thử
thách cực kì cam go của hơn một ngàn năm bị các triều đại phong kiến Trung Quốc
xâm lược và đô hộ, vượt qua những mưu đồ đồng hoá hết sức nguy hiểm của ngoại
bang.
Hai là
cuộc
đối đầu Việt–Hán và văn hoá nước nhà trong thời Bắc thuộc. Đến đây, những biến
đổi to lớn của thế cục chính trị đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ, lâu dài và sâu sắc
đến đời sống văn hoá của xã hội. Suốt cả khoảng thời gian trường kì và đầy khốc
liệt này, tổ tiên ta rất kiên quyết nhưng cũng đồng 10 thời rất tỉnh táo. Kiên
quyết là kiên quyết phủ định một cách hiên ngang toàn bộ mưu đồ của chủ nghĩa
bành trướng đại Hán. Tỉnh táo là tỉnh táo trong ý thức kết hợp một cách chặt chẽ
giữa việc bảo vệ những thành tựu của văn hoá cổ truyền với việc khách quan chọn
lựa những giá trị phù hợp của các thành tố ngoại nhập, miễn sao những thành tố
này thực sự có ý nghĩa góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hoá của mình.
Ba là sự phát triển của văn
hoá nước nhà trong bối cảnh đầy thuận lợi của kỉ nguyên độc lập, tự chủ và thống
nhất. Kỉ nguyên này được mở ra từ họ Khúc (905–930) và kết thúc cùng với sự kết
thúc của thời Lê sơ (1428–1527). Và như trên đã nói, những gì diễn ra sau thời
Lê sơ sẽ được trình bày trong hai tập cuối. Nhiều nhà nghiên cứu gọi đây là Văn
hoá Lý –Trần, Văn hoá Thăng Long hay Văn hoá Đại Việt... Đó thực sự là những cố
gắng rất đáng trân trọng trong quá trình tìm kiếm một khái niệm có tầm khái quát
thật cao. Nhưng, cũng như nhiều người khác, chúng tôi thấy rằng, tất cả các khái
niệm chung này còn có những biểu hiện chưa thật sự thoả đáng. Tuy nhiên, nếu
khái niệm chung còn có chỗ chưa thực sự thoả đáng thì trái lại, hiện thực sinh
động của văn hoá nước nhà trong giai đoạn lịch sử này lại là rất rõ ràng, sinh
động và đầy sức thuyết phục.
Nhìn từ bất cứ góc độ nào thì chúng tôi vẫn thấy rằng, một cuốn sách
thật dày (chừng vài ngàn trang chẳng hạn) cũng có phần bất tiện hơn là một bộ
sách gồm nhiều tập (ví thử như mỗi tập chừng trên dưới bốn trăm trang). Trên
tinh thần đó, chúng tôi đã cố gắng biên soạn bộ ĐẠI CƯƠNG LỊCH SỬ VĂN HOÁ VIỆT
NAM với năm tập khác nhau. Nhưng,
giải quyết được khó khăn này thì khó khăn khác lại nảy sinh. Muốn theo dõi và
nắm bắt được toàn bộ lịch sử văn hoá Việt Nam (ít nhất là
theo cách trình bày riêng của chúng tôi), thì tốt nhất là phải đọc đủ cả năm
tập. Đành rằng, mỗi tập đều có tính độc lập tương đối khá rõ ràng, nhưng, chỉ
khi nào đọc xong cả năm tập thì mới có thể thấy hết ý định của tác giả trong
việc trình bày mạch diễn tiến và biến thái không ngừng của tất cả các thành tố
trong văn hoá Việt Nam.